Sunday, December 12, 2010

Việt Nam có nguy cơ mắc 'bẫy' thu nhập trung bình và tụt hậu

Từng được đánh giá là một "con hổ châu Á" tiềm tàng hai thập kỷ trước đây, Việt Nam dường như bắt đầu bị tụt lại sau nhiều nước trong vùng. Vài ngày trước lúc các nhà tài trợ cho Việt Nam họp hội nghị thường niên tại Hà Nội (ngày 7-8/12/2010), nhiều tiếng chuông cảnh báo đã liên tiếp vang lên, kêu gọi Việt Nam cải tổ mạnh hơn nữa nếu không muốn bị bỏ rơi.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay, từ cơ sở hạ tầng quá tải, lực lượng lao động thiếu trình độ, cho đến tệ nạn quan liêu và tham nhũng nặng nề… Ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nói: "Hầu hết các nhà đầu tư đều đã công nhận rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Thế nhưng, Việt Nam đang phải vật lộn với một loạt các rào cản đầu tư cố hữu để hiện thực hóa tiềm năng này".
Với tăng trưởng kinh tế bình quân vượt mức 7,1% từ năm 1990 đến năm 2009 (theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á), trong gần hai chục năm, Việt Nam đã nằm trong danh sách các nước châu Á phát triển nhanh nhất. Ngoài ra, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 đô la hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có "thu nhập trung bình", theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, giấc mơ biến thành các con rồng, con hổ châu Á như Đài Loan, Singapore hay Hàn Quốc của Việt Nam vẫn còn xa vời. Thậm chí, theo ông Matthias Duhn, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam - Eurocham- thì Việt Nam còn có "nguy cơ bị rơi vào ‘bẫy thu nhập trung bình’, tức là tình trạng bất lực, không thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp ".
Trong bối cảnh Việt Nam sắp tổ chức đại hội đảng, hoạch định chiến lược phát triển trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế đã tăng cường kêu gọi Việt Nam đẩy nhanh tốc độ cải cách. Giới doanh nhân nước ngoài làm ăn ở Việt Nam đã kêu gọi chính quyền phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng của người lao động, tinh giản bộ máy quan liêu và tiến hành những cải cách khác.
Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam Eurocham đã ước tính Việt Nam cần từ khoảng 70 đến 80 tỷ đô la đầu tư vào hệ thống đường sắt, đường bộ và cơ sở hạ tầng cảng biển trong vòng từ 5 đến 10 năm tới đây. Nếu tính thêm cơ sở hạ tầng năng lượng, thì con số này lên đến 120 tỷ đô la.
Các cản lực khác khiến cho Việt Nam bị tụt hậu bao gồm tham nhũng và sự bất ổn định của đồng tiền quốc gia. Việt Nam đã phải giảm giá ba lần kể từ cuối năm ngoái đến nay. Một quan ngại nghiêm trọng khác cũng xuất hiện trong những tháng gần đây về tình trạng tài chính của các tập đoàn nhà nước lớn.
Nếu Vietnam Airlines vẫn được xem là một tập đoàn có tầm cỡ trong khu vực, thì giới đầu tư đang tự hỏi là còn có công ty nhà nước nào khác đang ở trong tình trạng tệ hại như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin. Quan điểm của giới doanh nhân nước ngoài rất rõ : Việt Nam cần phải giảm hẳn vai trò các tập đoàn quốc doanh.
Theo RFI

No comments: